Như một lời chia tay

Tác giả: Vy Huyền

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:

1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?

2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?

3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.


Vy Huyền

Năm vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam

1. Sự thờ ơ của giới trẻ

Một lần, khi qua cầu Larz Anderson bắc ngang dòng Charles, nối khuôn viên Đại học Harvard và thành phố Boston, ở vùng cực Đông Hoa Kỳ, tôi bắt gặp dòng chữ

Mong sao chiếc cầu này, được xây nên để tưởng nhớ một học giả, một chiến sĩ, và để nối liền sân trường và sân chơi của Trường Đại học Harvard, mãi mãi là lời nhắc nhớ cho sinh viên ngày ngày qua đây, lòng trung thành đối với đất nước, đối với đại học và lời khuyên sau hết là hãy tận hiến đời mình, và những gì học được từ giảng đường và từ quãng thời gian vui chơi bên bờ sông này, để phụng sự quốc gia.”


Ảnh tác giả chụp tại cầu Larz Anderson, Cambridge, Massachusetts

Nơi đây, một trong những Đại học danh giá nhất thế giới, nơi từng đào tạo ra nhiều nhân tài đã và đang phục vụ cho đất nước Hoa Kỳ, người ta thầm cấy cho sinh viên lòng trung thành và lòng ái quốc.

Bên bờ Tây Hoa Kỳ, mỗi lần về lại Đại học Berkeley và ghé qua Free Speech Café – Tạm dịch là Café Tự do Ngôn luận – tên gọi gắn bó với phong trào đấu tranh đòi quyền Tự do Ngôn luận của sinh viên Đại học Berkeley diễn ra vào thập niên 1960, tôi lại cảm nhận được không khí sôi sục của một thời sinh viên tranh đấu và đứng lên cho tiếng nói của mình. Tinh thần đó, cho đến hôm nay vẫn còn ăn sâu vào từng sinh viên của trường, dù hơn 40 năm đã trôi qua.

Ở hai thái cực khác nhau, một nơi gieo sâu vào sinh viên lòng ái quốc, một nơi nuôi dưỡng tinh thần tranh đấu, bất khuất và phản kháng vì lẽ phải. Lý tưởng, tuổi trẻ và tinh thần tranh đấu sẽ cho ai qua những nơi này cảm được khí trường tồn của một dân tộc.

Việt Nam hôm nay, trong giới trẻ và sinh viên, chúng ta có cảm được cái khí trường tồn đó hay không? Có bao nhiêu phần trăm trong giới trẻ Việt Nam hôm nay sống vì lý tưởng, sẵn sàng tận hiến tài năng cho quê hương, hay cần thiết hơn, là sẵn sàng đứng lên để phản kháng cho những công bình xã hội và cá nhân?

Thử lướt qua các trang web Việt Nam, chúng ta sẽ dễ nhận thấy tuổi trẻ Việt Nam hôm nay thờ ơ trước đại cuộc của đất nước. Ngọn lửa nhiệt huyết của những người như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định… hay những nhóm sinh viên từng đứng lên biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là hết sức cần thiết cho sự cân bằng và tiến bộ của xã hội. Rất tiếc, những trái tim đầy lửa đó quá nhỏ. Ngược lại, những “sự kiện” kiểu như những đại gia tuổi teen chơi nổi, hay giới trẻ hút chích, “tự sướng” hay “show hàng” tràn lan trên khắp các trang mạng internet.

Đó là vấn đề đáng lo, đáng buồn và đáng sợ nhất. Nếu một ngày kia, những cái đầu thờ ơ của hôm nay nắm vận mệnh dân tộc của ngày mai, thì đất nước này chưa thoát ra những lầm than mà nó đang mang trên tấm thân ì ạch, lê bước trong thế kỷ 21.

2. Sự liệt kháng của xã hội

Xã hội Việt Nam hôm nay, ngoại trừ một số nhỏ những trí thức và những con người có tấm lòng bất khuất, quan tâm đến vận mệnh dân tộc, đứng lên tranh đấu trước những bất công của xã hội và trước bạo quyền của chế độ độc tài, thì đại đa số bộ phận như buông xuôi, chấp nhận khép vào khuôn khổ mà nhà cầm quyền đã lập sẵn.

Xã hội Việt Nam hôm nay rụt rè, e sợ. Phải khá khen Chính quyền Cộng sản tại Việt Nam, đã lập lại “trật tự hoàn toàn” sau năm 1975, và đã diệt sạch tất cả những gì còn sót lại của tinh thần tranh đấu sôi sục một thời của miền Nam Việt Nam, để hôm nay, đất nước Việt Nam là tập hợp của một đại bộ phận thờ ơ và đầy ảo tưởng về vị trí của dân tộc mình trên bản đồ thế giới.

Bên cạnh những đàn áp và khuôn phép của chính quyền, chúng ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá phương Đông. “Kính trên nhường dưới” và “Gọi dạ bảo vâng” từ lâu đã là khuôn lề của gia đình và xã hội. Xã hội chúng ta từ lâu đã được phân tầng, nhỏ phải phục tùng lớn, kẻ kém quyền phải quỳ luỵ kẻ cầm quyền. Từ rất bé, chúng ta đã mất đi khả năng nói “Không”. Đã đến lúc, chúng ta phải dạy cho tuổi trẻ tính tự lập và khả năng nhận xét vấn đề. Đã đến lúc, chúng ta thôi không dạy trẻ thơ sự vâng lời bất chấp đúng sai. Đã đến lúc thay đổi, để thế hệ tương lai không là những con ngựa bị bịt mắt, nhát đòn roi, nhưng lại vẫn hung hăng tiến về phía trước.

3. Sự dối trá của phương tiện truyền thông

Bên cạnh việc bưng bít thông tin, đưa tin thiếu trung thực, bóp méo sự thật và bóp méo lịch sử, đại đa số báo chí Việt Nam trong nước còn đóng thêm vai trò đầu độc văn hoá.

Dù bằng phương thức truyền thông một chiều hay dối trá và mị dân, chính quyền độc đảng ở Việt Nam cũng đã làm được một việc mà hiếm đất nước nào làm được, là tạo nên một bộ phận không nhỏ, mang tự cao tự đại một cách lố bịch về đất nước mình.

Nhưng đã đến lúc chúng ta nên lạc quan, vì thế kỷ 21 và những sáng chế của nó, ví dụ, kỹ nghệ internet và những trang mạng xã hội, đã giúp thông tin lan nhanh với một tốc độ mà không một chính quyền độc tài nào có khả năng ngăn chặn và bưng bít hoàn toàn.

4. Giáo dục

Một nền giáo dục lạc hậu và coi nặng thành tích. Nếu không thay đổi thì chúng ta chỉ có cách bất lực nhìn chính đất nước mình tụt hậu và lạc hậu.

5. Độc đảng, Độc tài

Có lẽ chúng ta không cần nói thêm về những vấn đề mà một chính quyền độc tài mang lại. Đó là một trong những nguyên do chính khiến cho xã hội suy đồi, thối nát, tham nhũng, hối lộ, đàn áp, bóc lột, và sẽ không giấy mực nào kể xuể. Tuy nhiên, tôi cho đây không phải là vấn đề lớn nhất. Nếu một ngày nào đó, không xa, tuổi trẻ không còn thờ ơ và chịu khuất phục, tuổi trẻ tìm tòi và mạnh mẽ đứng lên, thì thời gian cho đến ngày tàn của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay. Không xa. Nhưng ngày đó, chắc chắn sẽ đến sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam chặn Youtube và Twitter.

Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ

Chữ “nếu” ở đây như là một chuyện cổ tích, vì sẽ không bao giờ có cái gọi là “Được cầm quyền tuyệt đối”. Và 24 tiếng là thời gian quá ngắn để

– Thay đổi thể chế chính trị

– Thay đổi hiến pháp

– Thay đổi giáo dục

– Thay đổi nhận thức

– Thay đổi cách nhìn về lịch sử

– …

Nhưng, đã là cổ tích thì chúng ta vẫn phải có quyền ước mơ. Nếu như điều đó là có thật, thì mong muốn duy nhất của tôi là 24 tiếng đồng hồ đó, trẻ con được quyền nói chuyện thật sự với người lớn, được quyền nói không và nói lên những cái sai của người lớn, và người lớn phải chân thành lắng nghe và nhận biết sai lầm của mình. Và cũng vậy, những kẻ cầm quyền hãy lắng nghe những nhà bất đồng chính kiến. Xã hội hẳn sẽ tiến bộ hơn sau 24 tiếng đồng hồ.

Hình dung về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030

2010: Như lịch sử từng cho chúng ta thấy, những năm đầu của một thế kỷ bao giờ cũng là những bước ngoặt quan trọng. 2010, trước những biến động xã hội và sức ép của Trung Quốc, và sự trở lại vùng Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, chúng ta đang đứng trước ngã ba đường. Như Lý Quang Diệu viết trong hồi ký “Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, những năm của thập niên 1960 và 1970, khi chúng tôi còn chưa biết rõ phe nào sẽ giành phần thắng, chúng tôi chọn đi theo Tây phương… Đến những năm cuối thập niên 1980, thì rõ ràng là chúng tôi đang ở về phe thắng cuộc.” Hy vọng chúng ta không rẽ sai thêm lần nữa.

2020 và 2030: Chặng đường 10 năm và 20 năm là quá ngắn để đôi khi thấy được sự thay đổi. Chỉ có một điều tôi quả quyết rằng, 20 năm nữa, chúng ta sẽ rất hiếm khi “được” nghe cụm từ “Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tôi quả quyết.

Lời cuối

talawas đã đi hết chặng đường 9 năm, vào thời điểm vô cùng quan trọng của kỷ nguyên internet và dân tộc Việt Nam. Như cánh cửa đã mở ra, sẽ phải có ngày khép lại, và để những ai đã từng qua, sẽ tiếp bước và mở ra những cánh cửa mới. Xin mượn bài hát “Như một lời chia tay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, làm lời tạm biệt cho một quãng thời gian gắn bó. Xin tri ân tất cả những người mà tôi đã từng được dịp làm việc và trao đổi, dù chưa một lần được gặp mặt hay biết tên. Làm sao biết từng nỗi đời riêng. Để yêu thêm yêu cho nồng nàn.

© 2010 Vy Huyền

© 2010 talawas

http://www.charlesriverconservancy.org/projects/Bridges/AboutLarzAndersonBridge.html

http://news.harvard.edu/gazette/story/2008/11/obama-joins-list-of-seven-presidents-with-harvard-degrees/

http://en.wikipedia.org/wiki/Free_Speech_Movement

From Third World To First, Lee Kuan Yew – Preface xv