Sophie Quinn-Judge

Việt Nam - Những tiếng nói cần thiết

Vy Huyền dịch

Theo Sophie Quinn-Judge, tầm dấn thân thể hiện qua cuộc đời hai nhân vật vừa mới qua đời của Việt Nam hiện đại cho thấy nhiều điều về hành trình chính trị và đạo lý chưa có đoạn kết của đất nước này.

Sự ra đi của hai cuộc đời liên quan đến nhau này cho thấy nhiều điều về tình hình chính trị hiện thời của đất nước này. Người đầu tiên, Nguyễn Ngọc Lan, nguyên là một linh mục Công giáo, qua đời tháng Hai năm 2007 sau nhiều năm bệnh tật. Người thứ hai là Trần Bạch Đằng (tên thật là Trương Gia Thiều), một cựu binh cộng sản, qua đời ngày 16 tháng 4, 2007.

Nguyễn Ngọc Lan là một trí thức, từng trình luận án tiến sĩ triết học về khoa học tại Sorbonne; còn Trần Bạch Đằng từng là một biên tập của một tờ báo cộng sản năm 1946, lúc ở tuổi 20, và sau đó giữ chức bí thư Thành uỷ Sài Gòn – Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn, trong suốt những năm của cuộc chiến Việt Nam. Cả hai là đồng minh của nhau trong cuộc chiến chống lại người Mỹ; nhưng sau hậu quả đau thương của ngày 30 tháng 4, 1975, họ chỉ trích lẫn nhau vì ông Lan vỡ mộng vì thấy lối phát triển của chính quyền cộng sản trong những năm 1980 và 1990. Tuy vậy, trước khi chết, chính Trần Bạch Đằng là người đã viết bản cáo phó chính thức duy nhất cho Nguyễn Ngọc Lan, được phổ biến tại Việt Nam.

Theo lời của những nhân chứng, ông Lan đã không bao giờ hồi phục sau vụ tai nạn bởi một nhóm côn đồ không rõ tông tích gây ra vào tháng 5 năm 1998. Trong khi ông và người bạn lâu năm là Linh mục Chân Tín, đang trên đường đến dự tang lễ của ông Nguyễn Văn Trấn, một người bất đồng chính kiến khác, thì họ bị hất ngã khỏi xe máy và bị đánh. Đầu ông Lan bị đập xuống đường và ông bị chấn thương vĩnh viễn. Vợ ông (ông Lan rời bỏ đời sống tu hành và kết hôn sau năm 1975, trở thành một thường dân) nói rằng nguyên nhân của sự suy sụp sau chấn thương chưa bao giờ được xác định. Sau vụ đó, ông sụt xuống chỉ còn 35 ký và mất khả năng tập trung để có thể tiếp tục viết.

Sự nghiệp viết của ông đã tồn tại qua nhiều tờ báo và tạp chí ở cả Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975; từng tờ một đều bị chính quyền đương thời đóng cửa. Trong số những tờ này, nổi tiếng nhất là tờ Đối diện, được Công giáo bảo trợ, mà ông Lan đã tiếp tục xuất bản với tên gọi Đứng dậy dưới thời chính quyền cộng sản, cho đến khi nó bị chính quyền đóng cửa vào tháng 12 năm 1978.

Suy nghĩ qua những đổi thay

Trần Bạch Đằng và Nguyễn Ngọc Lan gặp nhau lần đầu tiên vào tháng Ba năm 1968 tại trung tâm chỉ huy của Đảng ở ngoại ô Sài Gòn, sau đợt tấn công đầu tiên của cộng sản dịp Tết Mậu Thân vừa dịu xuống. Ông Lan lúc đó là một thành viên trong phái đoàn nhỏ của trí thức thành phố được mời đến để trao đổi quan điểm với những người lãnh đạo cộng sản. Trong chuyến đi này, có lúc, quân tuần của Hoa Kỳ đã buộc họ phải trốn ở những lô cốt ngập nước. Ông Đằng hết sức cảm phục sự thành thật và sự lạc quan của Linh mục Lan, và ông Lan tiếp tục có quan điểm rằng cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo là một trong những hiểm hoạ lớn nhất mà Việt Nam đang phải gánh chịu lúc bấy giờ. Sự đồng cảm ông dành cho “những anh chị em bên kia chiến tuyến” bắt nguồn từ mối quan tâm của ông tới những người nghèo khó, một trong những tín lý sau Công đồng Vatican II. Tuy vậy, ông vẫn là một trí thức không theo đảng phái nào, một người tha thiết với công lý và sự thật. Khi bị tố cáo là viết như một người cộng sản, ông đáp rằng, điều làm ông quan tâm hơn cả là ông đã không viết bất kỳ điều gì khiến mình phải hổ thẹn trước tổ tiên.

Trần Bạch Đằng là một người kiên quyết theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản. Ông đã bị đảng phê bình khi dàn xếp việc trao đổi tù nhân với đại sứ quán Hoa Kỳ năm 1968. Nhưng việc làm này của ông có lẽ đã bảo vệ được mạng sống của một số cốt cán Mặt trận Giải phóng Dân tộc, trong đó có cả vợ của ông. Sau năm 1975, sự nghiệp của ông không được suôn sẻ như nhiều người dự đoán. Ông đã dành nhiều thời gian ở Hà Nội để học tập tư tưởng, và sau này trở thành phó Ban Dân vận Trung ương cho đến năm 1980, khi ông khuất vào bóng tối.

Những năm đầu thập niên 1980 là thời gian khó khăn ở miền nam, khi Việt Nam đánh chiếm Cambodia và lúc này, những cải cách thận trọng được bắt đầu, huỷ bỏ những cố gắng tập thể hoá trước đó. Những phe phái khác nhau trong nhóm lãnh đạo chóp bu bất đồng ý kiến trong việc làm thế nào để giải quyết vấn đề của Thành phố Hồ Chí Minh; một số lãnh đạo đảng rõ ràng lo sợ trước lối thả tự do và quyền lực kinh tế của thành phố này. Tin sáng, tờ báo tư nhân duy nhất còn lại cũng bị đóng cửa vào tháng Sáu 1980. Nên khi Trần Bạch Đằng nổi lên vào năm 1985, với hàng loạt những bài viết trên Nhân Dân, tờ báo chính chính thức của Đảng, về Thành phố Hồ Chí Minh và miền nam thì sự việc này dường như đánh dấu sự phục hồi của cả chính ông và thành phố này. Quá trình Đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng VI năm 1986.

Quá trình cải cách kinh tế bắt đầu từ đó cho đến ngày hôm nay – Việt Nam giờ đây là thành viên của WTO, với lượng tăng trưởng kinh tế hấp dẫn các nhà đầu tư từng e ngại trước đây của phương Tây. Nhưng những bước đầu của cải cách chính trị và văn hoá lại bị vùi dập từ năm 1989, khi khối cộng sản tan rã và Trung Quốc mạnh tay với các cuộc biểu tình đòi dân chủ. Những luật mới về báo chí năm đó đã sập cánh cửa tự do báo chí ở Việt Nam, khi Đảng Cộng sản xác nhận lại đường lối độc tài chính trị.

Nguyễn Ngọc Lan chưa bao giờ thôi đấu tranh cho những quyền tự do này. Từ năm 1990 cho đến 1994, ông bị quản thúc tại gia, nhưng ngay sau khi thôi bị quản thúc, ông lại tiếp tục những hoạt động của mình. Năm 1994, trong bài viết cho đài RFI (Radio France International), ông giải thích rằng tự do báo chí như “hơi thở của xã hội và đất nước”. Những tờ báo do Đảng quản lý còn lại ở Việt Nam, theo ông, đều “vô dụng” với Đảng – vì chúng quá nhàm chán và không đáng tin nên dân chúng chẳng ai thèm đọc cả.

Năm 1998, trong một bài viết trên tờ Tin Nhà, một tạp chí hải ngoại, ông Lan đã lấy Trần Bạch Đằng làm mục tiêu (công kích). Ông Đằng đã phê phán một số nhà bất đồng chính kiến, những người đã viết những bài phê bình đến Ban Việt ngữ đài BBC. Đây là một câu chuyện cũ, ông Lan viết: Năm 1969, dưới chính quyền Sài Gòn, ông đã bị lực lượng an ninh triệu hồi và thẩm vấn về những bài viết, vì họ cho là “cộng sản có thể dùng (lợi dụng)” chúng. Ðây là loại công kích dựa trên lý luận rằng phê phán đảng chính trị đương cầm quyền là phê phán đất nước Việt Nam. Ông không chấp nhận lối lý luận đó, dù vào năm 1969 hay năm 1998. Cuối cùng, ông Lan không thể thoát khỏi vai trò của một người bất đồng chính kiến, và được biết đến là cứng đầu và cực đoan (điều mà người Nga gọi là “kẻ gây phiền phức”). Trong khi đó, Trần Bạch Đằng, tiếp tục là một người của Đảng, cuối cùng về hưu trong im lặng; ông chuyển qua viết kịch, tiểu thuyết và kịch bản phim. Bản cáo phó đăng trên báo Thanh Niên hầu như không đề cập đến những hoạt động chính trị của ông Đằng trong thời chiến.

Nguyên nhân của những đổi thay

Hai người này – Nguyễn Ngọc Lan, người theo chủ nghĩa thuần tuý, và Trần Bạch Đằng, người thoả hiệp – đại diện cho tầm dấn thân vì đất nước họ, mà lẽ ra, đáng được hoan nghênh. Nhưng trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam bước vào kỷ nguyên WTO, hình như họ cảm thấy cần phải có bộ mặt chính trị cứng rắn trước thế giới. Việc bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ của nhóm 8406, một nhóm ủng hộ tự do ý kiến được thành lập trước Đại hội Đảng X năm 2006, là cách Đảng cộng sản Việt Nam răn đe quần chúng rằng chưa hề có cải cách chính trị tại Việt Nam. “Những kẻ gây phiền phức” như Nguyễn Ngọc Lan sẽ tiếp tục phải trả giá đắt để đứng lên cho sự thật, trong khi những kẻ thoả hiệp sẽ tìm những cách khác để lặng lẽ đưa hệ thống này đến đổi thay. Một trong những cách này là cho phổ biến tập hợp những bài viết của Nguyễn Ngọc Lan; thanh danh của ông hẳn sẽ còn tiếp tục lan rộng trong tương lai. Và có lẽ, một ngày nào đó, người Việt sẽ tìm ra cách để đồng hoá những tài năng và ý tưởng của những người đứng về sự thật khi họ còn sống.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas